UBND huyện Văn Bàn tổ chức thẩm định nội bộ Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên – Văn Bàn, giai đoạn 2022 – 2030
30/05/2023
Căn cứ Văn bản 619/SNN-KL ngày 05/4/2023 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc hoàn thiện, thẩm định, trình phê duyệt Đề án DLST, nghỉ dưỡng, giải trí của các BQL rừng đặc dụng, phòng hộ.
Ngày 29/5/2023, Thường trực UBND huyện Văn Bàn tổ chức họp thẩm định nội bộ Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Khu BTTN Hoàng Liên Văn Bàn, giai đoạn 2022-2030 (Đề án du lịch sinh thái). Tham dự buổi thẩm định có đồng chí Vũ Hồng Phương – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện chủ trì cuộc họp, tham dự cuộc họp còn có các đồng chí: Lê Xuân Quỳnh – Phó chủ tịch UBND huyện; các đồng chí lãnh đạo các Phòng: Nông nghiệp và PTNT, Tài nguyên và MT, Kinh tế và Hạ Tầng, Văn hóa và Thông tin; Hạt Kiểm lâm huyện Văn Bàn, Ban quản lý di tích và Phát triển du lịch; UBND các xã Nậm Xây, Nậm Xé và Ban quản lý Khu BTTN Hoàng Liên Văn Bàn.
Ảnh: Quang cảnh hội nghị
Ảnh: Đồng chí Vũ Hồng Phương Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện phát biểu chỉ đạo
Sau khi nghe Ban quản lý Khu BTTN Hoàng Liên Văn Bàn báo cáo tóm tắt Đề án du lịch sinh thái, ý kiến tham gia của các đại biểu. Đồng chí Vũ Hồng Phương – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cũng đã đánh giá cao những nỗ lực của Ban quản lý Khu BTTN Hoàng Liên Văn Bàn trong việc thúc đẩy phát triển du lịch tại đơn vị nói riêng và trên địa bàn huyện Văn Bàn nói chung; Đề án xây dựng đã bám vào nội dung Đề cương kỹ thuật Đề án DLST, ND, GT của Khu BTTN Hoàng Liên – Văn Bàn được UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt tại Quyết định số 1314/QĐ-UBND ngày 14/6/2022; Văn bản số 1183/TCLN-ĐDPH ngày 31/8/2021 của Tổng cục Lâm nghiệp về việc hướng dẫn xây dựng Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.
Tuy nhiên trong quá trình xây dựng và triển khai thực hiện cần làm tốt một số nội dung:
1. Đề án du lịch sinh thái của Ban quản lý Khu BTTN Hoàng Liên Văn Bàn cần bám sát vào Đề án Chiến lược phát triển du lịch huyện Văn Bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
2. Làm rõ thêm hiệu quả mang lại của Đề án du lịch sinh thái đối với cộng đồng, trong vấn đề tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế cũng như trách nhiệm của người dân địa phương đối với việc phát triển du lịch. Tạo cơ hội cho người dân địa phương được tham gia vào các hoạt động du lịch sinh thái tại Khu bảo tồn qua đó tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân địa phương góp phần vào việc chuyển dịch cơ cây trồng dần xóa bỏ cây Thảo quả vào năm 2030.
3. Rà soát, đánh giá việc triển khai các hoạt động tại các điểm, tuyến du lịch cho phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, sử dụng rừng và sát với thực tế trong quá trình triển khai thực hiên;
4. Làm rõ việc sử dụng đất tại các điểm dừng nghỉ của các tua, tuyến; khi xây dựng các tuyến du lịch cần triển khai thực hiện xây dựng đồng bộ các hạng mục chính và phụ trợ trên tuyến cho phù hợp chức năng, hiệu quả.
5. Làm rõ vai trò nguồn lực đầu tư của Nhà nước và ngoài Nhà nước trong thực hiện đề án; đề xuất triển khai các dự án sau khi đề án được phê duyệt có quy mô đầu tư lớn, tác động sâu rộng và khuyến khích lựa chọn các nhà đầu tư có tiềm năng, năng lực thực hiện; làm rõ cơ chế chính sách của Nhà nước (nếu có) để mời gọi đầu tư, thực hiện các dự án đầu tư trong đề án.
Đồng thời đồng chí cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị và UBND các xã có liên quan quan tâm phối hơp với Ban quản lý Khu BTTN Hoàng Liên Văn Bàn trong việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án du lịch sinh thái đảm bảo hiệu quả, theo đúng trình tự và các quy định của pháp luật.
Nguyễn Đức Thịnh