KHƠI DẬY TIỀM NĂNG DU LỊCH TẠI KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN HOÀNG LIÊN VĂN BÀN - KỲ VỌNG MỚI TRONG KỶ NGUYÊN MỚI
19/06/2025
Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Hoàng Liên Văn Bàn được thành lập năm 2007 theo Quyết định số 399/QĐ-UBND ngày 12/02/2007 của UBND tỉnh Lào Cai. Với tổng diện tích toàn khu là 24.718 ha, đây là khu bảo tồn có diện tích lớn nhất tỉnh, trải dài trên địa bàn ba xã Nậm Xé, Nậm Xây và một phần diện tích của xã Liêm Phú, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai.
Nằm ở phía Nam dãy Hoàng Liên Sơn, Khu BTTN Hoàng Liên Văn Bàn là vùng sinh thái đặc biệt quan trọng, có vai trò to lớn trong bảo vệ nguồn gen rừng và đa dạng sinh học của Tây Bắc. Khu bảo tồn thuộc hệ sinh thái rừng á nhiệt đới núi cao, điển hình với độ cao dao động từ 700 đến 2.900 m. Đỉnh cao nhất là Lang Cung cao 2.913 m, một trong những đỉnh núi cao nhất của Việt Nam, ít người biết đến. Nơi đây có cảnh quan hùng vĩ, hệ động thực vật phong phú, văn hóa bản địa đặc sắc tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, mạo hiểm, khám phá thiên nhiên và văn hóa các dân tộc trong khu vực.
Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Khu BTTN Hoàng Liên Văn Bàn giai đoạn 2022 - 2030 được UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt tại Quyết định số 1367/QĐ-UBND ngày 29/4/2025. Đề án đặt mục tiêu phát triển khu bảo tồn thành điểm đến du lịch sinh thái trọng điểm cấp vùng, gắn bảo tồn thiên nhiên với phát triển bền vững, nâng cao đời sống người dân vùng đệm và tạo thương hiệu du lịch xanh của tỉnh Lào Cai. Đánh dấu một bước ngoặt chiến lược đưa nơi đây trở thành điểm đến quan trọng trong tương lai gần của du lịch Việt Nam và Quốc tế, với các tuyến, điểm du lịch sinh thái đặc sắc như:
1. Khám phá đèo Khau Co - Thác Bay - Rừng Pơ Mu cổ thụ
Các tuyến du lịch này thích hợp cho du khách yêu thích khám phá thiên nhiên và nghỉ dưỡng. Hành trình bắt đầu từ trung tâm xã Nậm Xé, đưa du khách đến đèo Khau Co thơ mộng, thác Bay hùng vĩ, thăm cây di sản Việt Nam và khám phá khu rừng Pơ mu cổ thụ. Du khách được trải nghiệm nghỉ giữa rừng, thưởng thức ẩm thực bản địa và tìm hiểu các loài thực vật quý hiếm.
2. Trekking Sinh Cha Pao - Lang Cung - Nam Kang Ho Tao
Tuyến trekking mạo hiểm đưa du khách chinh phục những đỉnh núi cao gần 3.000m. Đây là cơ hội tuyệt vời để khám phá rừng sâu, săn mây và cắm trại giữa thiên nhiên hùng vĩ. Cung đường này hấp dẫn các bạn trẻ và những nhà nhiếp ảnh đam mê thiên nhiên hoang dã.
3. Trải nghiệm văn hóa cộng đồng Nậm Xé - Nậm Xây
Du khách được lưu trú tại các homestay truyền thống, hòa mình vào đời sống sinh hoạt hàng ngày của đồng bào dân tộc Dao, Tày, đặc biệt là đồng bào người Mông Xanh xã Nậm Xé. Hoạt động như dệt vải, nấu rượu, giã gạo, tổ chức lễ hội, văn nghệ cộng đồng… là điểm nhấn tạo nên nét riêng cho du lịch văn hóa nơi đây.
4. Du lịch học tập và nghiên cứu sinh thái
Phù hợp với sinh viên, nhà nghiên cứu, tổ chức bảo tồn… Các hoạt động bao gồm học tập tại thực địa, tìm hiểu hệ sinh thái rừng, kỹ năng bảo vệ rừng và ứng dụng công nghệ trong bảo tồn như bẫy ảnh, định vị GPS, camera AI chống phá rừng…
5. Phát triển hạ tầng và dịch vụ du lịch bền vững
Đề án xác định rõ các nhiệm vụ đầu tư cho giai đoạn 2025 - 2030 bao gồm: Cải tạo và mở mới đường vào các điểm du lịch trọng điểm, đảm bảo kết nối thuận lợi quanh năm; xây dựng hai trạm kiểm soát, kết hợp trung tâm đón tiếp khách và truyền thông môi trường tại Khau Co và Thác Bay; lắp đặt hệ thống cầu tre sinh thái, đường mòn có lan can an toàn, biển chỉ dẫn theo chuẩn du lịch sinh thái; xây dựng và cải tạo homestay đạt chuẩn cộng đồng tại các bản du lịch Nậm Xé và Nậm Xây, hỗ trợ vay vốn và hướng dẫn kỹ thuật cho người dân vận hành. Xây dựng bản đồ số du lịch, thiết kế tour tuyến liên kết, phát triển cẩm nang du lịch bản địa. Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng cho hướng dẫn viên, chủ hộ homestay, thuyết minh viên bảo tồn và cán bộ địa phương. Kết nối các doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến khu bảo tồn theo tour du lịch chuyên đề: Du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái học đường, du lịch chữa lành và giáo dục môi trường.
Tất cả các hoạt động phát triển hạ tầng đều tuân thủ nghiêm ngặt quy hoạch không gian, nguyên tắc bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên và giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đến môi trường. Cùng với đó là chiến lược truyền thông hiện đại: Phát triển bản đồ du lịch số, trang thông tin chính thức, video quảng bá và liên kết với doanh nghiệp du lịch.
6. Bảo tồn đi đôi với phát triển
Đề án khẳng định quan điểm xuyên suốt: Bảo tồn là nền tảng cho phát triển bền vững. Mọi hoạt động du lịch đều được quy hoạch theo nguyên tắc “không xâm hại” tài nguyên thiên nhiên, hạn chế xây dựng kiên cố, khuyến khích sử dụng vật liệu thân thiện môi trường như tre, gỗ địa phương, đá tự nhiên. Các tuyến du lịch được giới hạn số lượng khách trong ngày để tránh áp lực lên môi trường. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ rừng được tăng cường nhờ có thêm nguồn lực từ dịch vụ du lịch. Một phần doanh thu từ hoạt động du lịch sẽ được trích lại để chi trả cho lực lượng tuần tra rừng, bảo vệ động thực vật quý hiếm, cứu hộ động vật hoang dã và phục hồi rừng bị tác động.
7. Vai trò của cộng đồng và mô hình sinh kế bền vững
Một trong những điểm sáng trong Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của Khu BTTN Hoàng Liên Văn Bàn là việc chú trọng vào vai trò của cộng đồng. Người dân địa phương, vốn là chủ nhân của núi rừng, được xác định là lực lượng trung tâm trong phát triển du lịch. Đề án đặt ra mục tiêu xây dựng mô hình cộng đồng tự quản du lịch, trong đó người dân trực tiếp cung cấp dịch vụ homestay, hướng dẫn viên bản địa, tổ chức văn nghệ dân gian, lễ hội truyền thống, sản xuất sản phẩm thủ công (thổ cẩm, rượu, trà, thuốc nam).
Nhằm hỗ trợ cộng đồng, khu bảo tồn phối hợp các tổ chức phi chính phủ và trường nghề mở các lớp đào tạo về quản trị homestay, tiếng Anh giao tiếp, kỹ năng hướng dẫn, an toàn du lịch, sơ cứu y tế… Các hộ tham gia được tiếp cận vốn vay ưu đãi để đầu tư cơ sở vật chất. Nhờ đó, người dân không chỉ gia tăng thu nhập mà còn nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng và phát huy bản sắc văn hóa.
8. Định hướng phát triển đến năm 2030
Theo Đề án, đến năm 2030, khu bảo tồn sẽ trở thành mô hình mẫu về du lịch sinh thái gắn với bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam. Các mục tiêu cụ thể như: Đến năm 2030, thu hút được ít nhất 10.000 lượt khách du lịch mỗi năm, trong đó có 25% là khách quốc tế. Tạo việc làm trực tiếp cho trên 300 lao động địa phương trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ. Xây dựng hoàn thiện hệ thống homestay, đường mòn sinh thái, trung tâm truyền thông và cơ sở dịch vụ du lịch tại các phân khu trọng điểm. Tích hợp hệ thống công nghệ số trong quản lý du lịch và bảo vệ rừng (camera AI, bản đồ du lịch số, giám sát rác thải, đăng ký lưu trú trực tuyến). Tổ chức sự kiện quảng bá về du lịch sinh thái tại khu bảo tồn.
Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư để lồng ghép các nguồn lực, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, giảm nghèo, gìn giữ văn hóa và bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường bền vững.
9. Thu hút đầu tư
Với định hướng xã hội hóa hoạt động du lịch theo Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, việc thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt từ khu vực kinh tế tư nhân, là chìa khóa quan trọng để thúc đẩy du lịch sinh thái phát triển nhanh, chuyên nghiệp và bền vững tại Khu BTTN Hoàng Liên Văn Bàn. Nơi đây sở hữu nhiều lợi thế nổi bật như hệ sinh thái rừng đặc hữu, cảnh quan tự nhiên hùng vĩ, khí hậu mát mẻ quanh năm, cùng với tài nguyên văn hóa dân tộc thiểu số phong phú và giao thông thuận tiện. Đây là cơ hội lý tưởng để Ban Quản lý khu bảo tồn chủ động kêu gọi đầu tư thông qua các hình thức như liên doanh, liên kết, cho thuê môi trường rừng có kiểm soát và hợp tác phát triển du lịch cộng đồng. Thu hút được sự tham gia của các nhà đầu tư không chỉ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, mà còn tạo nguồn lực quan trọng cho công tác bảo vệ rừng, gìn giữ đa dạng sinh học và phát triển sinh kế bền vững cho người dân địa phương.
10. Truyền thông và quảng bá
Để nâng cao nhận diện thương hiệu du lịch sinh thái Khu BTTN Hoàng Liên Văn Bàn, Đề án đặc biệt nhấn mạnh vai trò của công tác truyền thông. Ban Quản lý khu bảo tồn phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền hình, nền tảng mạng xã hội để triển khai xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch (logo, slogan, bản đồ tuyến điểm, cẩm nang hướng dẫn du lịch…); phát hành clip giới thiệu khu bảo tồn trên truyền hình địa phương, VTV, nền tảng số (Youtube, TikTok…); tổ chức các cuộc thi ảnh, video, viết bài cảm nhận dành cho du khách đã từng trải nghiệm tại khu bảo tồn; tạo lập trang web chính thức và fanpage Facebook cập nhật thường xuyên hình ảnh, hoạt động, sự kiện nổi bật; tham gia các hội chợ, sự kiện xúc tiến du lịch trong và ngoài tỉnh để quảng bá trực tiếp tới doanh nghiệp và khách hàng mục tiêu; ngoài ra, mỗi năm, khu bảo tồn liên kết tổ chức các sự kiện như Tuần Du lịch sinh thái, Ngày hội Khèn Mông, Hội chợ sản phẩm OCOP vùng cao…, góp phần đưa Hoàng Liên Văn Bàn đến gần hơn với cộng đồng và du khách./.
|
|
-
Đang online:
0
-
Hôm nay:
1
-
Trong tuần:
1
-
Tất cả:
1
|
|