image banner
Phát triển kinh tế rừng tại Lào Cai
Diện tích đất lâm nghiệp và rừng ở Lào Cai chiếm hơn hai phần ba diện tích đất tự nhiên (327 nghìn ha), trong đó có 286 nghìn ha rừng, hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, sống nhờ vào nguồn tài nguyên rừng. Làm thế nào để tạo ra và nâng cao nguồn thu nhập ổn định từ rừng cho người dân là mục tiêu phát triển kinh tế rừng của tỉnh Lào Cai trong những năm trước mắt.

Cắm mốc ranh giới, giao đất sản xuất cho người dân

Chúng tôi đến bản Lọt, xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng được tận mắt chứng kiến mầu xanh của rừng trồng đã xóa đi những vết loang lổ đỏ quạch, mầu đá xám xịt của đất trống, đồi trọc ở nơi đây mấy năm về trước. Trải dài ngút tầm mắt là những cánh rừng keo lai, mỡ, bồ đề, tre măng Bát Ðộ... bao quanh bản người Dao, với hơn một trăm nóc nhà lợp ngói xi-măng khang trang. Ðược Nhà nước giao đất ổn định, lâu dài để trồng rừng kinh tế, đồng bào Dao đã có trong tay "chìa khóa" để mở cánh cửa thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Gặp chúng tôi, lão nông Triệu Tiến Vảng, gần 60 tuổi, người Dao, cùng năm lao động là con, cháu trong nhà đang miệt mài phát cỏ, tỉa thưa cho bảy héc-ta keo lai, bồ đề, trám... vừa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để trồng rừng kinh tế, nằm sát ngay quốc lộ 70 thuận tiện giao thương, tâm sự: "Bây giờ, nhà mình có thể toàn tâm toàn ý, tính cách đầu tư, để sống và làm giàu từ rừng được rồi. Khi mình trồng rừng và được khai thác toàn bộ gỗ để bán ra thị trường tự do thì lo gì không làm giàu được, vì gỗ đang bán rất "chạy" cho các nhà máy chế biến của tỉnh và xuất đi nhiều nơi bao nhiêu cũng hết mà. Trước đây chỉ được nhận khoán hưởng lợi từ rừng phòng hộ, thủ tục khai thác không rõ, lại rườm rà lắm, cho nên nhiều người không thiết tha làm rừng, bỏ đất trống. Bây giờ thì khác rồi. Nhà nào ở bản Lọt này cũng muốn nhận đất để trồng rừng, không du canh du cư nữa". Trưởng bản Lọt, anh Ðặng Văn Quang cho biết, toàn bộ 135 hộ người Dao ở đây đã nhận khoanh nuôi, bảo vệ và trồng mới 274 ha rừng, chất lượng rất tốt, sinh trưởng nhanh, vì trồng bằng giống cây mới, đúng kỹ thuật, nhờ vậy 80% số hộ dân đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ rừng. Nhiều gia đình nông dân hoàn toàn sống nhờ rừng, thu nhập từ 30 đến 40 triệu đồng/năm. Ðể bảo vệ rừng, ngoài quản lý của kiểm lâm viên địa bàn chuyên trách, người dân bản Lọt tự nguyện lập ra câu lạc bộ "Những người trồng rừng", hằng tháng đóng góp thóc hoặc tiền để duy trì hoạt động của tổ ba người, có nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát rừng hằng ngày, chống khai thác trái phép và phát hiện sớm sự cố cháy rừng. Nhờ cách làm này, rừng trồng ở bản Lọt phát triển nhanh, chất lượng. "Sáng kiến" này đang được ngành Kiểm lâm và nhiều địa phương học tập, nhân rộng. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai Nguyễn Quang Hưng cho biết: Thực hiện Chỉ thị 38 của Chính phủ, tỉnh Lào Cai đã rà soát xong và cắm 4.946 mốc giới các loại rừng theo mục đích sử dụng, qua đó đã chuyển hơn 200 nghìn ha đất lâm nghiệp và rừng phòng hộ ít xung yếu phục vụ phát triển rừng sản xuất. Tính đến nay, Lào Cai đã cơ bản giao xong 286 nghìn ha đất lâm nghiệp cho hơn 50 nghìn hộ gia đình và 15 tổ chức nhận khoanh nuôi bảo vệ và trồng rừng kinh tế. Bên cạnh đó, cấp ủy và chính quyền, đoàn thể ở các địa phương tích cực vận động nhân dân trồng rừng thay thế nương rẫy, để nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị canh tác đất lâm nghiệp. Qua hai năm thực hiện đề án chuyển đổi nương rẫy sang trồng rừng kinh tế, gần 400 hộ nông dân vùng cao, vùng sâu thuộc ba huyện nghèo (diện chương trình 30a) là Mường Khương, Bắc Hà và Si Ma Cai đã chuyển đổi được 350 ha nương rẫy sang trồng rừng bằng các loại cây bản địa có khả năng thích nghi cao, ngoài thân gỗ còn cho thu quả, hạt để bán ra thị trường như trám, sơn tra (táo mèo), trẩu, tre măng Bát Ðộ... Nhờ vậy, hàng chục nghìn nông dân có nguồn thu từ rừng, góp phần xóa nghèo nhanh, bền vững. Tuy nhiên, còn 201 nghìn ha đất rừng sản xuất dôi ra sau rà soát ba loại rừng vẫn còn vướng mắc do công tác đo đạc, xác định ranh giới cho nên chậm trễ giao đất cho người dân, gây lãng phí tài nguyên đất sản xuất.

Trồng rừng hỗn giao, đa tầng, đa mục đích

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Chi cục trưởng Chi cục lâm nghiệp Lào Cai Tô Mạnh Tiến khẳng định: Ðể nâng cao hiệu quả kinh tế rừng cần phát triển mạnh rừng kinh tế. Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Lào Cai cần "đột phá" vào yếu tố thời vụ, cây giống và phương thức trồng hỗn giao, đa tầng, đa mục đích. Trước đây, đồng bào dân tộc thiểu số thường tận dụng thời gian nông nhàn trồng rừng vào dịp cuối thu đầu đông, tuy nhiên đây là thời gian khô hạn, rét, sương muối, cho nên cây bị chết nhiều, có sống được cũng còi cọc, sinh trưởng kém. Chi cục lâm nghiệp phối hợp chặt chẽ với  Phòng kinh tế huyện, thành phố và cán bộ khuyến nông các xã hướng dẫn nông dân chỉ trồng rừng vụ xuân, loại bỏ việc trồng rừng vào vụ hè thu (từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau), để  bảo đảm tỷ lệ cây sống cao, khả năng sinh trưởng nhanh, rút ngắn thời gian khép tán, đạt năng suất cao hơn. Trong tập đoàn giống cây, Lào Cai ưu tiên trồng các loại như keo lai, mỡ, thông, muồng, bồ đề, luồng Thanh Hóa... Ðây là những giống cây qua khảo nghiệm đã chứng tỏ khả năng sinh trưởng nhanh, có thể thâm canh, tái tạo vụ. Ở nhiều xã vùng cao, vùng sâu huyện Bát Xát, Bảo Thắng, Văn Bàn, Bảo Yên... người dân ưa chuộng nhất là cây keo lai, vì thích hợp với nhiều loại đất dốc; chăm sóc, bón phân đúng kỹ thuật cho năng suất từ 70 đến 80 m3/ha, có hộ đạt tới hơn 100 m3/ha, theo giá thị trường khoảng từ 60 đến 80 triệu đồng/ha, thời gian thu hoạch khoảng năm năm. Ðể nâng cao thu nhập từ rừng, Chi cục Lâm nghiệp lựa chọn giống cây bản địa, ngoài thân gỗ còn có khả năng cho quả, hạt và nhựa như trám, trẩu, sơn tra, thông hoặc thân thảo cho quả dược liệu có giá trị kinh tế cao như thảo quả, sa nhân để trồng rừng kinh tế theo phương thức đa tầng, đa mục đích ở các xã Toòng Sành, huyện Bát Sát; Sơn Hà, Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng; Võ Lao, huyện Văn Bàn... Ngoài ra, người dân còn trồng trẩu xen với tre măng Bát Ðộ, hoặc trám xen với mỡ, keo lai, thông... Ở nhiều xã của huyện Sa Pa, Bát Xát nằm ở độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, có nhiệt độ thấp, độ ẩm cao, người dân trồng thảo quả, sa nhân dưới tán cây gỗ lớn; trồng rừng hỗn giao cây lấy gỗ xen cây thân gỗ có quả, hạt xen trúc lùn, cây lấy măng, để tạo nguồn thu, lấy ngắn nuôi dài.

Hiện Lào Cai có hàng nghìn hộ nông dân làm giàu từ trang trại vườn rừng theo phương thức đa tầng, đa mục đích kết hợp chăn nuôi đại gia súc. Vấn đề đặt ra là tỉnh cần có chính sách hỗ trợ về vốn vay để nhiều người dân có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế trang trại vườn rừng đa tầng, đa mục đích để nâng cao hiệu quả kinh tế lâm nghiệp.

Tập trung cho chế biến

Toàn tỉnh Lào Cai hiện có 285 ha rừng, với trữ lượng gỗ khoảng 18 triệu mét khối và hơn 200 triệu cây có đốt (tre, vầu, nứa...). Ðây là nguồn tài nguyên lớn, có giá trị phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.  Ðề án "Nâng cao hiệu quả kinh tế lâm nghiệp Lào Cai" giai đoạn 2011- 2015 xác định giải pháp then chốt là chế biến sâu, tạo nên giá trị gia tăng trên các sản phẩm từ rừng. Ðến thăm Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu Bảo Thắng (Công ty đầu tư phát triển công nghiệp rừng Lào Cai), Chủ tịch HÐQT Trần Trung Thanh giới thiệu sản phẩm ván ghép thanh, ván lạng ép với nhiều chủng loại, kích cỡ khác nhau, rất bóng, nhiều mầu sắc và vân gỗ đẹp. Ðó chính là sản phẩm của công nghệ tiên tiến nhất hiện nay, với dây chuyền sản xuất đồng bộ. Ðây là nhà máy chế biến gỗ hiện đại nhất ở vùng Tây Bắc hiện nay, có công suất 6.000 m3 ván ghép thanh và 9.000 m3 gỗ ván lạng ghép/năm, tiêu thụ khoảng 80 nghìn m3 gỗ nguyên liệu từ rừng trồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 300 công nhân và hàng chục nghìn hộ nông dân trồng rừng trên diện tích 19 nghìn ha, của mười xã thuộc hữu ngạn sông Hồng. Nhờ chế biến sâu đã tận dụng tối đa cành, ngọn, thân cây gỗ nhỏ, hạn chế thấp nhất lãng phí nguyên liệu gỗ và nâng giá trị gấp năm đến bảy lần so với bán gỗ thô. Công ty cổ phần Lâm nghiệp Bảo Yên chế biến gỗ xẻ, giấy đế và đũa gỗ xuất khẩu, tạo việc làm và thu nhập ổn định, vươn lên giàu có cho hàng trăm công nhân và hàng chục nghìn nông dân sinh sống ven hai bờ sông Hồng và sông Chảy. Ðể bảo đảm nguyên liệu cho nhà máy, công ty đã ký với hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Bảo Yên với các điều khoản rõ ràng, hai bên cùng có lợi, để trồng các loại cây cao sản như bạch đàn, bồ đề, keo lai... Cách đây hai năm, công ty đã bỏ tiền mua giống và tập huấn kỹ thuật cho người dân trồng hàng trăm ha luồng Thanh Hóa dọc theo hữu ngạn sông Chảy, thuận tiện cho vận chuyển. Công ty đang khẩn trương xây dựng nhà máy chế biến bột giấy công suất 10 nghìn tấn/năm, cung cấp nguyên liệu sơ chế cho Nhà máy giấy Bãi Bằng, nhà máy sản xuất ván MDF (ván sợi nhân tạo), công suất 150 nghìn m3/năm, vừa giảm được cước phí vận chuyển nguyên liệu thô vừa nâng cao giá thu mua nguyên liệu gỗ cho người trồng rừng.

Với khoảng 225 tổ chức kinh tế và cơ sở chế biến kinh doanh lâm sản hiện đang hoạt động trên địa bàn, tỉnh Lào Cai đã ban hành và thực hiện cơ chế, chính sách ưu đãi, nhằm khuyến khích đầu tư chế biến sâu nhằm tạo giá trị gia tăng, nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ và bảo vệ môi trường sinh thái trong khai thác và chế biến lâm sản ở địa phương. Mục tiêu là đưa giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng 13-15%/năm, giá trị thu nhập lâm sản đạt hơn 15 triệu đồng/ha/năm, góp phần giúp người dân có cuộc sống ổn định, thu nhập khá từ nghề rừng.


image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 8
  • Hôm nay: 52
  • Trong tuần: 286
  • Tất cả: 55789
Đăng nhập