image banner
Khu BTTN Hoàng Liên Văn Bàn: Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái
Cách trung tâm thị trấn Khánh Yên của huyện Văn Bàn chừng 35 km về phía tây, Khu BTTN Hoàng Liên Văn Bàn là điểm đến lý tưởng về du lịch dã ngoại, khám phá thiên nhiên, leo núi, du lịch bản làng khám phá phong tục tập quán của người dân địa phương.

Đến Khu BTTN Hoàng Liên Văn Bàn chúng ta có thể cảm nhận được sự đa dạng của thiên nhiên, được tận hưởng nhiều điều thú vị với hết sự ngạc nhiên này tới sự ngạc nhiên khác, vào mùa hoa, rừng được bao phủ bởi hoa Đỗ quyên và hoa Lan nở đẹp mê hồn. Khi đi qua các hệ sinh thái rừng khác nhau, được chiêm ngưỡng những loài sinh vật mà không nơi nào có được. Sự kỳ thú trong cảnh quan đó sẽ tạo nên những hứng khởi bởi cảm giác khám phá thực sự được hòa mình vào thiên nhiên núi rừng, giúp tăng thêm sự hiểu biết và lòng yêu thiên nhiên của du khách. Nằm trên dải sơn mạch Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, Khu BTTN Hoàng Liên Văn Bàn có rất nhiều điểm có cảnh quan đẹp, các danh thắng có sức hấp dẫn thu hút khách du lịch trong và Quốc tế, tiêu biểu là:

1. Đỉnh đèo Khau Co: Cách trung tâm huyện Văn Bàn chừng 50 km về phía tây, nằm ở độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển, có vị trí tại tiểu khu 486 và tiểu khu 488 xã Nậm Xé, thuộc Khu BTTN Hoàng Liên Văn Bàn. Đỉnh đèo là ranh giới phân chia cung đoạn cuối của dải Hoàng Liên Sơn, là cung đèo gắn kết với các tỉnh trong vùng rẻo cao Tây Bắc qua bao năm thángKhau Co là một điểm thắng cảnh đặc biệt hấp dẫn đối với những người ưa mạo hiểm và khám phá. Đỉnh đèo Khau Co cũng là nơi khởi nguồn nhánh chính của dòng suối Chăn chảy dài qua các xã: Nậm Xây, Minh Lương, Dương Quỳ, Khánh Yên, Sơn Thủy, Võ Lao, Văn Sơn và chảy ra sông Hồng tại cửa ngõ ngòi Nhù (Bảo Thắng). Đến với Khau Co, du khách sẽ cảm thấy ngỡ ngàng những khi đón bình minh hay hoàng hôn ở Khau Co, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những cảnh sắc đẹp lung linh, đẹp đến nao lòng. Đặc biệt vào mùa thu, tại đèo Khau Co khí hậu trong ngày có 04 mùa: Buổi sáng trời sương mù se lạnh, giữa trưa nắng hửng tựa khí hậu của mùa hè, nhưng chiều đến lại mang tiết trời ấm áp của mùa thu, rồi đêm về phải đắp chăn bông trong không khí của mùa đông lạnh giá.

Ảnh: Cung đèo Khau Co mây phủ bồng bềnh


- Trong thời Pháp thuộc, sau khi tái chiếm tỉnh Lai Châu và tái chiếm cơ bản vùng Tây Bắc, thực hiện mưu đồ tái chiếm Văn Bàn và mở rộng sang khu vực Việt Bắc, thực dân Pháp tiến hành lập đồn tại khu vực đỉnh đèo Khau Co. Lợi thế các điểm cao tại khu vực đỉnh Đèo để đặt hỏa lực khống chế diện rộng khu vực huyện Văn Bàn và huyện Than Uyên. Đây là Đồn lớn giữ vị trí rất quan trọng để quân Pháp thực hiện mưu đồ tái chiếm Văn Bàn và khống chế, chặn sự tiến quân của ta vào vùng Tây Bắc. Phát hiện mưu đồ của thực dân Pháp, chính quyền Việt Minh huyện Văn Bàn đã tổ chức trận đánh ngay từ ngày đầu chúng tập kết. Trận đánh Đồn Khau Co diễn ra trên cả một cung đèo Khau Co về phía huyện Văn Bàn, vì vị trí bố phòng của Đồn Khau Co rải khắp trên đoạn đường Đèo và các điểm cao khu vực Đèo.

- Di tích “Chiến thắng đồn Khau Co” là một trong những địa điểm diễn ra trận đánh quan trọng, mưu trí, táo bạo trước ngày Bác Hồ phát lệnh toàn Quốc kháng chiến. Là nơi ghi dấu sự hy sinh anh dũng của quân và dân Văn Bàn để làm nên những chiến thắng vang dội trong sự nghiệp đấu tranh chống Thực dân Pháp, giải phóng Văn Bàn. Trận đánh Khau Co có ý nghĩa to lớn ngay trong ngày đầu của cuộc kháng chiến, nó đã cổ vũ tinh thần đấu tranh cách mạng cho quân và dân các dân tộc Văn Bàn. Chiến thắng đồn Khau Co đã trở thành một mốc son chói lọi của quân và dân huyện Văn Bàn bởi nơi đây thực dân Pháp đã bị loại ra khỏi vòng chiến đấu. Ngày 10/11/2017 UBND tỉnh Lào Cai ban hành quyết định số 5021/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử địa điểm chiến thắng Đồn Khau Co là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Việc xếp hạng di tích lịch sử địa điểm Chiến thắng Đồn Khau Co là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh là cần thiết nhằm bảo vệ và phát huy giá trị của di tích phục vụ phát triển du lịch tại địa phương, đồng thời là nơi để giáo dục truyền thống về lịch sử cách mạng, văn hóa tốt đẹp, tinh thần yêu nước, đấu tranh cách mạng, chống giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi của Tổ Quốc cho thế hệ hôm nay và mai sau.

2. Thác Bay: Có vị trí nằm trên địa phận của xã Liêm Phú (thuộc khu vực quy hoạch mở rộng của Khu BTTN Hoàng Liên Văn Bàn), cách thị trấn Khánh Yên 20 km về phía đông. Quan sát từ xa, thác Bay giống như một con rồng trắng đang nhìn từ trên trời xuống. Đứng dưới chân thác ngẩng lên quan sát thấy dòng thác trắng xóa đổ từ trên đỉnh núi xuống như một dải lụa trắng vắt xuống giữa trời xanh. Nước đổ xuống, luồn lách dưới những phiến đá khổng lồ chảy xuống tạo ra những âm thanh kỳ lạ. Những giọt nước nhỏ xíu bay lên như những lớp sương tạt vào mặt tạo cảm giác mát lạnh. Bao quanh khu vực thác Bay là rừng những cánh rừng tự nhiên, nơi có giá trị đa dạng về thành phần loài và đặc trưng cho hệ động thực vật vùng Tây Bắc. Đặt chân đến thác Bay, du khách không chỉ được ngắm thác, được tắm để hưởng cái mát lành của nước, của không khí mà còn được ngắm những cánh rừng tự nhiên bất tận với đủ các loài thực vật quý hiếm như Pơ mu, Bách tán, sến mật, Giổi găng...

Ảnh: Khu vực Thác Bay xã Liêm Phú

 
3. Tiềm năng về tài nguyên du lịch cộng đồng, khám phá những bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số: Quanh những dãy rừng nguyên sinh của Khu BTTN Hoàng Liên Văn Bàn là nơi sinh sống của đa phần đồng bào dân tộc thiểu số (Mông xanh, Dao, Tày) chiếm 98,7%, người Kinh chỉ chiếm khoảng 1,3%. Mỗi dân tộc thiểu số đều có một nét văn hoá riêng, thể hiện ở nhiều phương diện khác nhau. Những giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc như nhà ở, văn hoá ẩm thực, gia phong, hay những trò chơi dân gian, lễ hội, cần được gìn giữ, phát huy để tạo nên sự đa dạng về bản sắc văn hoá dân tộc trong khu vực. Đó là những giá trị văn hoá phi vật thể quý giá, là nguồn tài nguyên nhân văn có thể khai thác phục vụ cho phát triển du lịch sinh thái nhân văn đang được du khách ưa chuộng.

Ảnh: Mùa vàng


4. Khám phá, chiêm ngưỡng cây Di sản Việt Nam: Cùng với vẽ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, Khu BTTN Hoàng Liên Văn Bàn còn là nơi lưu trữ nhiều nguồn gen động vật, thực vật rừng quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam và trong sách đỏ thế giới cần được quan tâm bảo vệ.

Ảnh: Cây Bách tán Đài Loan (Taiwania cryptomerioides Hayata) là cây Di sản Việt Nam

           
Đơn vị đã hoàn thành việc xây dựng đề cươngxây dựng đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và được UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt tại Quyết định số 1314/QĐ-UBND ngày 18/6/2022. Hiện đơn vị đang tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà thầu xây dựng Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giai đoạn 2022 - 2030. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để kêu gọi các tổ chức cá nhân trong nước và Quốc tế liên kết đầu tư xây dựng, thuê môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái./.

Nguyễn Đình Tâm - BQL Khu BTTN Hoàng Liên Văn Bàn


image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 90
  • Trong tuần: 759
  • Tất cả: 40338
Đăng nhập