Những ngày đầu tháng 7, chúng tôi cùng các thành viên tổ khoán bảo vệ rừng Liêm Phú, tiến hành tuần tra bảo vệ rừng tại phân khu bảo vệ nghiêm ngặt xã Liêm Phú.
Những ngày đầu tháng 7, chúng tôi cùng các thành viên tổ khoán bảo vệ rừng Liêm Phú, tiến hành tuần tra bảo vệ rừng tại phân khu bảo vệ nghiêm ngặt xã Liêm Phú.
Trước khi lên đường đi tuần tra, đồng chí Lò Văn Ngoan, Bí thư Chi bộ, Hạt trưởng kiêm Trưởng ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Văn Bàn có dặn dò: Rừng Liêm Phú tuy xa mà gần, đồng chí lên nắm bắt tình hình công tác bảo vệ rừng đồng thời động viên bà con nhân dân tham gia công tác bảo vệ rừng tại chốt bảo vệ rừng xã Liêm Phú. Câu nói mộc mạc nhưng chan chứa tình cảm ấy như tiếp thêm động lực cho chúng tôi vượt qua những vất vả gian nan trên con đường “giữ lấy mầu xanh của rừng”.
Ảnh: Lãnh đạo Khu bảo tồn tiến hành tuần tra chung cùng tổ bảo vệ rừng
Vượt qua những dãy núi cao, những con thác ghềnh treo leo, sau 1 tiếng đi xe máy và 7 tiếng đi bộ, đoàn công tác của chúng tôi đã đến điểm chốt bảo vệ rừng thuộc Tiểu khu 529 phân khu bảo vệ nghiêm ngặt xã Liêm Phú. Trước mắt chúng tôi là những cánh rừng đại ngàn với những dãy núi trùng điệp, nơi có những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, những cây Bách tán Đài Loan đang sừng sững vươn lên như những lá cờ vẫy chào chúng tôi trở lại. Không có điện, không có sóng điện thoại và rất nhiều cái không khác nữa nhưng không ngăn được lòng quyết tâm của chúng tôi trong công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ màu xanh cho quê hương.
Ấn tượng với chúng tôi có lẽ là sức sống kiên cường của những cây Bách tán Đài Loan. Người ta thường nói: Ruồi vàng bọ chó không bằng gió Lào Than Uyên, đó là sự khắc nghiệt của những cơn gió Lào, nhưng những cây Bách tán Đài loan hàng trăm năm tuổi vẫn kiên cường đứng đó, vẫn đơm hoa kết trái như một biểu tượng sức sống cho cả khu rừng.
Trong quá trình di chuyển trò chuyện với chúng tôi, anh Hoàng Trọng Mưu, tổ trưởng tổ bảo vệ rừng xã Liêm Phú nói rằng: Trong những năm qua, dưới sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo Khu bảo tồn trong công tác bảo vệ rừng, các thành viên tổ bảo vệ rừng đã có chốt phục vụ công tác bảo vệ rừng, không phải dầm mưa, trú mưa trong những chuyến tuần tra khi gặp thời tiết bất lợi nữa, điều này đã động viên anh em rất nhiều.
Ảnh: Trên đường tuần tra bảo vệ rừng
Thấy chúng tôi lên đến chốt bảo vệ rừng, điều đầu tiên chúng tôi bắt gặp đó là những nụ cười của các thành viên tổ khoán bảo vệ rừng, có lẽ chính nụ cười ấy đã tiếp thêm động lực để chúng tôi cùng nhau giữ lấy mầu xanh của rừng.
Rời xa những cánh đồng lúa chĩu hạt, với những bắp ngô vàng óng, những đồi quế xanh ngát, anh Thào A Dềnh và 5 anh em tổ khoán bảo vệ rừng xã Liêm Phú, với ba lô trên vai đi lên chốt bảo vệ rừng tại Tiểu khu 529 xã Liêm Phú, tại đây, anh em sẽ ăn ngủ và thực hiện nhiêm vụ tuần tra bảo vệ rừng theo kế hoạch là 5 ngày. Từ điểm chốt bảo vệ rừng, anh em tổ bảo vệ rừng tiếp tục xuất phát đi các hướng khác nhau, vượt qua nhưng dãy núi cao, ghềnh, thác lớn, theo các đường mòn dân sinh để kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Trao đổi với chúng tôi, anh Thào A Dềnh chia sẻ: “em là người dân tộc Mông, chúng em có thói quen sống dựa vào rừng, bây giờ nhà nước cấm không cho khai thác gỗ nữa rồi, em đã tuyên truyền vận động người thân trong gia đình và người dân trong bản không đi khai thác gỗ nữa và bản thân em viết đơn xin vào tổ bảo vệ rừng, nhận thức của người dân địa phương được nâng lên, cây rừng không bị chặt nữa nên nước chảy từ rừng về làm ruộng nhiều hơn, gia đình em bây giờ đủ ăn và yên tâm thực hiện nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng rồi anh ạ”.
Có lẽ nhưng câu nói đơn giản thế thôi, đã làm chúng tôi – những người giữa vai trò và trọng trách chính trong công cuộc bảo vệ và phát triển rừng được động viên rất nhiều. Xác định những bước chân trên con đường ấy sẽ còn rất nhiều gian nan, nhưng chúng tôi luôn tiến lên phía trước để “Giữ lấy màu xanh của rừng”.
Nguyễn Đức Ân – BQL KBTTN Hoàng Liên Văn Bàn