image banner
Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Văn Bàn ghi nhận mới về vùng phân bố loài Ếch cây sần bắc bộ

Trong quá trình giám sát công tác tuần tra bảo vệ rừng tại tiểu khu 529 xã Liêm Phú huyện Văn Bàn tỉnh Lào Cai, tổ công tác của Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Văn Bàn đã phát hiện loài Ếch cây sần bắc bộ có tên khoa học  Theloderma corticale.

Đây là lần đầu tiên ghi nhận sự có mặt của loài này tại Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Văn Bàn nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung.

 Ảnh: Ếch cây sần bắc bộ ( Theloderma corticale)

Theo các kết quả nghiên cứu trước đây loài Ếch cây sần bắc bộ (Theloderma corticale) là loài đặc hữu của Việt Nam có khu vực phân bố hẹp và mới chỉ ghi nhận được phát hiện tại các tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La (Nguyen et al, 2009), Yên Tử (Trần Thành Tùng 2009), Tuyên Quang (Hoàng Văn Ngọc 2011).

Đặc điểm hình thái: Thân của con cái dài từ 7 - 7,5 cm, con đực là 6 – 7 cm. Da sần sùi nổi hạt với các mảng màu xanh rêu xen lẫn với màu nâu đất không có hình dạng cố định và trông giống như một đám rêu. Đĩa của ngón tay lớn. Con đực không có túi kêu. Ngón tay không màng hoặc chỉ có màng nhỏ ở giữa hai ngón 3 - 4. Ngón chân có màng. Màng nhĩ nhỏ hơn đường kính của mắt.

Đặc tính sinh học: Chúng sống trong các hang đá vôi nhỏ dưới các thác nước hoặc trên các thành đá ven suối ở rừng rậm và tại độ cao 0,9 km - 1,6 km. Thời gian sinh sản từ tháng 4- tháng 6. Trứng đẻ thành từng đám nhỏ, có khoảng 6 - 17 quả, có vỏ nhầy rất dính chặt vào trần và vách ẩm của hốc đá. Lượng trứng đẻ một lần đạt đến 60 quả và chia thành 3 - 5 đám nhỏ riêng biệt.

Với việc phát hiện loài Ếch cây sần bắc bộ ( Theloderma corticale) tại Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Văn Bàn đã bổ sung thêm vào vùng sinh thái có phân bố của loài Ếch này tại tỉnh Lào Cai, góp phần làm cơ sở cho công tác nghiên cứu và bảo tồn đa dạng sinh học.

Nguyễn Đức Thịnh


image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 2
  • Trong tuần: 773
  • Tất cả: 39723
Đăng nhập