image banner
Chỉ thị tăng cường công tác quản lý giống cây trồng trên địa bàn tỉnh Lào Cai
CTTĐT – Hiện nay tại một số địa phương xuất hiện tình trạng sản xuất, kinh doanh cây giống không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được công nhận chính thức, chưa có quyết định lưu hành; một số mặt hàng hạt giống nhập khẩu không có tem nhãn phụ của đơn vị được phép nhập khẩu, tiêu chuẩn cây giống không đảm bảo; một số đơn vị sản xuất, buôn bán giống chưa đảm bảo quy định của pháp luật gây ảnh hưởng đến chất lượng sản xuất. Ngày 21/9/2022, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-UBND nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với giống cây trồng nông lâm nghiệp, giống cây dược liệu, giống cây cảnh và giống nấm ăn trên địa bàn tỉnh.

Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện tốt các quy định của Luật và văn bản liên quan về giống cây trồng và canh tác; phát triển hàng hóa nông nghiệp... Phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với định hướng thị trường, phù hợp với chiến lược phát triển trồng trọt; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các nguồn tài nguyên khác; tạo điều kiện thuận lợi để hợp tác, liên kết, xây dựng vùng sản xuất hàng hoá tập trung, sản xuất có hợp đồng và được chứng nhận chất lượng. Quản lý chất lượng giống cây trồng trên cơ sở quản lý chất lượng giống và quản lý chất lượng vật liệu nhân giống theo quy định của Luật Trồng trọt, Luật Lâm nghiệp và pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá. Nâng cao nhận thức cho người dân trong việc thực hiện các quy định về sản xuất, kinh doanh, buôn bán giống cây trồng. Tăng cường tập huấn nghiệp vụ về công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng cho cán bộ làm công tác tham mưu quản lý ngành nông lâm nghiệp từ huyện đến xã.

Kiểm tra, hướng dẫn sản xuất, kinh doanh, buôn bán, sử dụng giống cây trồng đảm bảo chất lượng theo quy định

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh và Kế hoạch về Bảo tồn và phát triển giống nông nghiệp đặc sản có giá trị kinh tế cao vùng Tây Bắc tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 -2025. Phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, buôn bán, sử dụng giống cây trồng đảm bảo chất lượng theo quy định. Tăng cường chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, bổ sung cơ cấu giống cây trồng gắn với phát triển theo chuỗi giá trị. Làm tốt công tác kiểm dịch thực vật theo quy định của pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, đặc biệt đối với những giống cây trồng nhập nội khi đưa vào khảo nghiệm, gieo trồng trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức thực hiện công nhận, quản lý khai thác cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng đối với cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm và ra văn bản đề nghị đặc cách giống cây trồng theo quy định. Chỉ đạo phương án phát triển sản xuất nông nghiệp, hướng dẫn thời vụ, cơ cấu giống trên địa bàn toàn tỉnh; tham mưu công tác quản lý dự trữ địa phương về giống cây trồng và chủ động nguồn cung ứng giống đáp ứng đủ, kịp thời cho sản xuất. Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn, kiểm soát đối với các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình việc thu hái hạt giống phải ở rừng giống đã được công nhận còn thời gian sử dụng, chất lượng phải đảm bảo tiêu chuẩn quốc gia về hạt giống; việc kinh doanh buôn bán lô hạt, lô cây giống phải có trách nhiệm xuất hồ sơ theo quy định; quản lý chặt chẽ, hạn chế việc các hộ gia đình, cá nhân tự phát sản xuất giống lâm nghiệp không tuân thủ việc sản xuất cây giống theo quy định gây ảnh hưởng chất lượng rừng trồng sau này.

Công khai danh sách các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh giống cây trồng trên địa bàn tỉnh; các vi phạm quy định về sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng theo đúng quy định của pháp luật; danh sách nguồn giống được công nhận, công nhận lại hoặc bị hủy bỏ hiệu lực công nhận trên các phương tiện thông tin đại chúng và Website của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để người dân lựa chọn sử dụng giống cây trồng đảm bảo chất lượng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về giống cây trồng. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về giống cây trồng theo thẩm quyền.

Sở Công thương quản lý chặt chẽ công tác xuất, nhập khẩu, lưu thông giống cây trồng trên địa bàn. Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho UBND tỉnh lựa chọn danh mục triển khai thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khảo nghiệm, thử nghiệm các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao phù hợp nhu cầu thị trường; phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện các nội dung liên quan đến quyền bảo hộ giống cây trồng, quyền sở hữu trí tuệ và pháp luật về khoa học, công nghệ liên quan đến lĩnh vực giống cây trồng. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí, nguồn lực thực hiện Chỉ thị/

Cục Quản lý thị trường tỉnh chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường trực thuộc phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát việc lưu thông mặt hàng giống cây trồng trên địa bàn tỉnh. Ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về sản xuất, buôn bán giống cây trồng, đặc biệt là hạt giống giả, nhãn hiệu kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ…theo quy định của pháp luật.

Cục Hải quan tỉnh quản lý, giám sát chặt chẽ các hoạt động nhập khẩu giống cây trồng, vật liệu nhân giống. Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cửa khẩu nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển các loại giống cây trồng của nước ngoài sản xuất, chưa được đăng ký nhập khẩu, lưu hành vào địa bàn tỉnh. Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh chỉ đạo các Đồn Biên phòng phối hợp với chính quyền địa phương các xã dọc biên giới và các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt các quy định của nhà nước về kinh doanh, buôn bán và sử dụng giống cây trồng tại địa phương; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc xuất nhập cảnh, hàng hoá qua lại biên giới, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các loại giống cây trồng nhập lậu.

Công an tỉnh chỉ đạo các phòng chuyên môn, nghiệp vụ, Công an các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn và có biện pháp xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về hoạt động sản xuất, buôn bán giống cây trồng trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Chi cục kiểm dịch thực vật vùng 8 tăng cường công tác kiểm dịch thực vật tại các cửa khẩu thuộc thẩm quyền quản lý; kiểm soát chặt chẽ các đối tượng sinh vật gây hại trên các giống cây trồng nhập nội. Đồng thời, thông báo cho các cơ quan chuyên môn trên địa bàn tỉnh để theo dõi, kiểm tra theo quy định.

Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Lào Cai và các cơ quan truyền thông phối hợp với các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực giống cây trồng; thông tin kịp thời các giống cây trồng đảm bảo chất lượng, các thành tựu và mô hình sản xuất phù hợp để các tổ chức, cá nhân biết và vận dụng.

Đề nghị Hội Nông dân tỉnh phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng những giống cây trồng phù hợp, có hiệu quả, có trong danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam. Đối với việc trồng cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm bằng phương pháp vô tính phải chọn giống nhân từ cây đầu dòng hoặc vườn cây đầu dòng được cơ quan chuyên môn có thẩm quyền cấp chứng nhận theo quy định. Lựa chọn giống có nguồn gốc, xuất xứ đảm bảo chất lượng hàng hoá theo quy định.

Thành lập tổ giám sát, kiểm tra việc giao, nhận cây giống

Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, tại Chỉ thị, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tổ chức triển khai thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về giống cây trồng trên phạm vi, địa bàn quản lý. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn; các phòng, ban chuyên môn tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực sản xuất, buôn bán giống cây trồng và tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các văn bản pháp luật về lĩnh vực giống cây trồng cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán, sử dụng được biết để thực hiện.

Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn thành lập tổ giám sát, kiểm tra việc giao, nhận cây giống về tiêu chuẩn, chất lượng, nguồn gốc lô giống trước khi đem đi trồng rừng trên địa bàn quản lý và kiên quyết không cho phép đem trồng những lô cây con không rõ nguồn gốc, không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cây con do UBND tỉnh quy định.

Chỉ đạo phòng Nông nghiệp/kinh tế, Hạt Kiểm lâm theo dõi, quản lý cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng, rừng giống và các giống cây trồng bản địa tại địa phương. Xây dựng phương án phát triển sản xuất nông nghiệp, hướng dẫn thời vụ, cơ cấu giống tại địa phương, đặc biệt là các loại cây trồng đặc sản, cây chủ lực, cây trồng hàng hoá có thế mạnh của địa phương gắn với phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị; quản lý dự trữ địa phương về giống cây trồng và chủ động nguồn cung ứng giống trên địa bàn quản lý. Có kế hoạch cụ thể về công tác theo dõi, giám sát, kiểm tra và chịu trách nhiệm về hoạt động sản xuất, buôn bán giống cây trồng trên địa bàn quản lý. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sản xuất, kinh doanh giống cây trồng không đủ điều kiện (bán rong), không có nguồn gốc, xuất xứ; giống cây trồng hết hạn sử dụng, giống cây trồng không có tên trong Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Đối với các mô hình khảo nghiệm, sản xuất thử, trình diễn giống mới trước khi triển khai trên địa bàn huyện phải có văn bản đồng ý của Sở Nông nghiệp và PTNT và báo cáo định kỳ theo quy định.

Rà soát, thống kê các tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán giống cây trồng tại địa phương gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, đăng tải theo quy định. Phân công cán bộ đảm bảo thực hiện nhiệm vụ và bố trí đảm bảo kinh phí cho công tác quản lý chất lượng giống cây trồng và giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định.

Chấp hành nghiêm các quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh giống cây trồng

Tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây trồng phải chấp hành nghiêm các quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh giống cây trồng quy định tại Luật Trồng trọt và Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13/12/2019 của Chính phủ. Chỉ được sản xuất, kinh doanh những giống cây trồng có trong danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam. Với những giống mới chưa có trong danh mục, nếu thấy phù hợp và có hiệu quả phải đề xuất xem xét, công nhận theo đúng quy định. Đối với sản xuất giống cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm bằng phương pháp vô tính phải nhân từ cây đầu dòng hoặc vườn cây đầu dòng đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán giống cây trồng trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm gửi hồ sơ về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Sở theo quy định.

Khi gửi hồ sơ đăng ký kinh doanh với Phòng Tài chính kế hoạch huyện phải gửi đồng thời cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/Kinh tế để kiểm tra tính phù hợp, tổng hợp, theo dõi và làm các thủ tục theo quy định;

Các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về chất lượng giống cây trồng do mình sản xuất, kinh doanh, buôn bán theo quy định của pháp luật. Thu hồi, tiêu hủy, xử lý giống cây trồng không đảm bảo chất lượng khi sản xuất, lưu thông ngoài thị trường. Tuân thủ, tự giác chấp hành việc kiểm tra và biện pháp xử lý của cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật./.

 

Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Lào Cai


image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 30
  • Trong tuần: 737
  • Tất cả: 40380
Đăng nhập