image banner
Bảo tồn và phát triển loài thông tre lá ngắn quý hiếm
Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Văn Bàn đang xây dựng Đề tài nghiên cứu khoa học nhằm bảo tồn và phát triển loài thông tre lá ngắn. Đây là loài thực vật quý hiếm, thuộc nhóm IIA trong Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ.

Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Văn Bàn hiện có quần thể loài thông tre lá ngắn quý hiếm (tên khoa học Podocarpuspilgeri), thuộc họ Kim giao, với khoảng hơn 30 cá thể, cây có đường kính dao động từ 20 – 25 cm.

Loài thông tre lá ngắn sinh trưởng ở độ cao khoảng 1.600 m so với mực nước biển, tại tiểu khu 518, xã Nậm Xé (trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Văn Bàn quản lý).

Đặc điểm nhận dạng của cây thông tre lá ngắn là loài gỗ nhỏ, nhiều khi lùn, dạng bụi, thường xanh, ít khi cao 10 – 15 m; vỏ cây mỏng, màu vàng xám. Lá mọc cách, thường mọc chụm ở đầu cành, hình bầu dục mác, dài 1,5 – 5 cm, rộng 0,3 – 1,2 cm, mép lá nguyên, tròn tù, đôi khi nhọn đầu. Cây khác gốc, nón đực đơn độc hay chụm hai, hình trụ dài 1,5 – 5 cm. Nón cái mọc đơn độc ở nách lá, có cuống dài 3 – 13 mm. Hạt hình cầu, đường kính 7 – 10 mm. Đế hạt dài 7 – 12 mm. 

Đặc điểm nhận dạng cây thông tre lá ngắn.

Về sinh thái, loài cây này thường mọc trong rừng rậm nhiệt đới thường xanh hoặc rừng lùn ở đỉnh núi và dông, ở độ cao khoảng 500 – 1600 m. Cây mọc rải rác dưới tán rừng Thông pà cò (Pinus kwangtungensis), trên sườn núi đá vôi, hay một số loại đá khác. 

Nhằm bảo tồn đa dạng sinh học về hệ thực vật tại Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên Văn Bàn, đơn vị đang có kế hoạch xây dựng Đề tài nghiên cứu khoa học về loài thông tre lá ngắn.

Theo đó, sẽ phối hợp với các chuyên gia trong lĩnh vực lâm nghiệp tiến hành nghiên cứu, điều tra thêm về loài cây này. Từ đó có phương án bảo tồn, nhân giống phát triển.

Nguồn: Báo Lào Cai


image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 19
  • Hôm nay: 63
  • Trong tuần: 297
  • Tất cả: 55800
Đăng nhập