TRÍCH SERI TỪ LÀO CAI ĐẾN HẦM SỜ - CÁT “CHUYỆN CHƯA KỂ TRÊN ĐÈO KHAU CO”
Trên hành trình đi theo “dấu chân” những đoàn dân công hỏa tuyến và chiến sĩ Điện Biên năm xưa, từ huyện Văn Bàn, chúng tôi theo Quốc lộ 279 để tới đỉnh đèo Khau Co, điểm di tích lịch sử với những chi tiết rất đỗi hào hùng. Thật xúc động khi được nghe câu chuyện về bước chân gánh gạo của những dân công hỏa tuyến, sự chiến đấu, hi sinh của các chiến sĩ đánh Pháp năm xưa cũng như chuyện giữ rừng, phát triển kinh tế của Nhân dân nơi “cửa gió” hôm nay.
Khau Co là
tên đọc chệch của từ “Khau Cọ”, là tiếng của đồng bào bản địa, dịch ra nghĩa là
“cửa gió”. Đèo Khau Co thuộc địa phận xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn, cũng là “cánh
cửa” phía Tây Nam tỉnh Lào Cai thông với tỉnh Lai Châu, nơi cuối trời Tây Bắc.
Ai chưa lên đèo Khau Co một lần thì chưa thể hiểu hết sự hiểm trở, hùng vĩ và
chưa thể tưởng tượng được sự khốc liệt của loại gió đặc thù của nơi này.
Từ trung tâm
xã Nậm Xé, chúng tôi vượt dốc theo Quốc lộ 279 đang được mở rộng với ngổn ngang
đất, đá, bụi, cuốn mịt mù theo vòng bánh xe khoảng 20 km thì đến Trạm Kiểm lâm
cửa rừng Nậm Mu - Khau Co thuộc quyền quản lý của Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn
thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn. Buổi sớm mùa hè ở đây có sương mù giăng mắc
và se lạnh, nhìn ra xung quanh là bạt ngàn núi đồi, rừng cây. Vậy nhưng đi thêm
2 km lên đến đỉnh đèo Khau Co thì sương mù dày đặc, vừa mở cửa xe bước xuống,
chúng tôi rùng mình đón trận gió mạnh thổi ào ạt cuốn phăng cả chiếc mũ vải bay
vào vách núi như chiếc lá cây, kèm theo cái lạnh run người. Nhìn về phía Văn Bàn
hay Than Uyên qua khe núi đều mịt mù sương phủ.
Quả thực
chúng tôi hơi chủ quan khi nghĩ con đèo bình thường, chỉ khi nhìn vách đá dựng
đứng trên “cổng trời” Khau Co, phía dưới là vực sâu hun hút, gió thổi ầm ào như
bão muốn cuốn phăng cả người xuống vực mới thấy hết sự hiểm trở của nơi này.
Chính ở vị
trí hiểm yếu này, đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp đã cho xây dựng đồn bốt trên
đỉnh đồi cao với ý đồ “bịt chặt” “cửa gió”, dùng hỏa lực khống chế bộ đội, du
kích của ta, chốt chặn “yết hầu” của cung đường huyết mạch nối hai tỉnh Lào Cai
- Lai Châu. Vậy nhưng, bằng sự dũng cảm, mưu trí, kiên cường, sau nhiều lần tấn
công, tháng 10 năm 1949, bộ đội chủ lực và du kích huyện Văn Bàn đã tiêu diệt
địch, giải phóng đồn Khau Co, tràn xuống đánh đồn Minh Lương, giải phóng huyện
lỵ Văn Bàn, tiến tới giải phóng hoàn toàn Lào Cai.
Phải mất hơn
30 phút bám cành cây, bụi cỏ leo ngược vách núi, chúng tôi mới đến được đỉnh
đồi cao, nơi thực dân Pháp xây đồn Khau Co trước đây. Hơn 7 thập kỷ trôi qua,
dấu xưa đồn cũ gần như không còn gì, nhưng từ trên đồi cao nhìn xuống tuyến
đường cheo leo mịt mù mây phủ có thể cảm nhận được vị trí hiểm yếu, sự hiểm
trở, khắc nghiệt của vùng đất “cửa gió”.
Nhớ lại khi
đoàn đến xã Võ Lao, huyện Văn Bàn, chúng tôi nghe cựu chiến binh Hoàng Văn Kể,
sinh năm 1931 kể về những khó khăn, vất vả của bộ đội ta khi tấn công đồn Khau
Co lúc nửa đêm. Đói, rét, muỗi, vắt và sương mù; đạn địch từ trên đồn bắn xuống
xối xả như mưa rào. Lần ấy, đại đội phải rút quân trước khi trời sáng phòng máy
bay địch tấn công…
Khi sang xã
Làng Giàng, các cụ già năm xưa tham gia dân công hỏa tuyến kể chuyện gánh gạo
qua đèo Khau Co trong đêm bao gian lao, vất vả. Cụ Phạm Văn Mươn, 91 tuổi nhà ở
thôn Là 1, xã Võ Lao nắm chặt bàn tay nhăn nheo như đang cố gồng mình giữ gánh gạo
vượt gió bão trên đèo Khau Co hơn 70 năm trước.
"Ở nơi
“cửa gió”, mùa đông rét thấu xương, nhưng từ Tết âm lịch trở đi đến tháng 4,
tháng 5, gió nóng thổi ào ạt như muốn thiêu trụi cả cây cỏ. Địa hình hiểm trở,
thời tiết khắc nghiệt vậy, nhưng tất cả đều cố gắng vận chuyển thật nhiều lương
thực cho bộ đội đang dồn sức đánh Pháp ở các tỉnh Đông Bắc và chiến trường Điện
Biên Phủ", cụ Mươn kể.
Đứng trên
đỉnh đèo Khau Co ào ạt gió, mù mịt sương, anh Lò văn Toản, Trạm trưởng Trạm
Kiểm lâm cửa rừng Nậm Mu - Khau Co (Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng
Liên - Văn Bàn) chỉ về phía những cánh rừng bạt ngàn, giọng sang sảng như muốn
át tiếng gió đang gầm gào tràn qua khe núi. Theo lời Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm,
cửa rừng Nậm Mu - Khau Co nằm ở nơi xa xôi, heo hút nhất, quản lý trên 15.000
ha rừng thuộc địa bàn xã Nậm Xé. Khu vực này núi cao, vực sâu, có đỉnh núi Sinh
Tcha Pao cao 2.715m so với mực nước biển. Địa bàn rộng và khó khăn như vậy,
nhưng trạm chỉ có 4 cán bộ kiểm lâm nên công việc vô vàn khó khăn.
“Để hoàn
thành tốt nhiệm vụ giữ rừng nơi “cửa ngõ” phía Tây của tỉnh, giải pháp then
chốt và quan trọng nhất chính là dựa vào Nhân dân. Hiện nay, xã Nậm Xé có 36
nhân viên bảo vệ rừng và 28 người tham gia tổ tuần tra bảo vệ rừng của cộng
đồng thôn, bản. Chúng tôi thành lập 4 chốt bảo vệ rừng ở các khu vực trọng yếu,
trực suốt 24/24h để tuần tra, bảo vệ từng mét vuông đất rừng. Đơn cử như chốt
518 nằm giữa rừng pơ mu cổ thụ với hàng trăm cây pơ mu quý hiếm, phải đi bộ hơn
3 giờ mới đến được, mỗi ca trực thường có 6 người gồm cán bộ trạm kiểm lâm,
nhân viên bảo vệ rừng, thành viên tổ tuần tra bảo vệ rừng của cộng đồng. Sau
một tuần sẽ đổi ca trực cho nhóm khác tiếp tục công việc", anh Toản cho
hay.
Cũng trong
câu chuyện về bảo vệ “ kho vàng xanh” nơi “cửa gió”, chúng tôi được trò chuyện
với ông Phạm Đăng Hải, 65 tuổi, nguyên Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm cửa rừng Nậm
Mu - Khau Co, người suốt 36 năm làm nhiệm vụ bảo vệ rừng trên đèo Khau Co. Ông
Hải bảo nơi đây đúng là “kho vàng xanh” với rất nhiều loại gỗ quý như pơ mu,
thông tre, trai, dổi… Cũng chính vì thế, nhiều kẻ "lâm le" khai thác
gỗ quý để kiếm lợi. Những năm 1993 trở về trước, lâm tặc hoạt động ráo riết,
anh em căng mình ra giữ rừng, khó khăn không kể xiết.
Nói rồi ông
Hải vạch ống tay áo, lộ ra vết sẹo dài bằng nửa gang tay trông như con rết, ánh
mắt trầm tư: “Vết thương này của tôi là do lâm tặc chém đấy. Chúng trả thù tôi
vì đã ngăn chặn dòng gỗ pơ mu ở cửa rừng. Về sau, đối tượng khai thác gỗ trái
phép bị tòa án xét xử 3,5 năm tù giam", ông Hải bộc bạch.
Trao đổi với
chúng tôi, anh Nguyễn Đức Thịnh, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên
nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn cho biết: Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn
Bàn được thành lập từ năm 2007, làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 24.766 ha rừng và
đất lâm nghiệp thuộc địa bàn các xã: Minh Lương, Nậm Xé, Nậm Xây, Liêm Phú.
Trong những
năm qua, công tác tuyên truyền, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng được
quan tâm nên hiệu quả bảo vệ tài nguyên rừng được nâng cao, không để xảy ra
cháy rừng và các vụ vi phạm nghiêm trọng. Công tác chi trả dịch vụ môi trường
rừng được thực hiện tốt, vừa giữ màu xanh của rừng, vừa nâng cao thu nhập cho
Nhân dân.
Ở chân đèo
Khau Co lịch sử, nơi cách đây hơn 70 năm, những đoàn dân công hỏa tuyến đã đi
qua, bộ đội chống Pháp đã chiến đấu, hi sinh để bảo vệ vùng đất này, đến nay,
cuộc sống Nhân dân đã đổi thay rõ nét. Trong chuyến công tác đến đèo Khau Co,
chúng tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện với đồng bào các dân tộc xã Nậm Xé, cũng là
xã xa xôi, khó khăn bậc nhất của huyện Văn Bàn.
Anh Triệu Văn
Thanh, dân tộc Dao, Trưởng thôn Ta Náng hồ hởi: Thôn Ta Náng có 86 hộ dân là
đồng bào Mông, Dao. Trước đây, cuộc sống bà con khó khăn lắm, nhưng giờ đã ấm
no hơn. Năm 2023, thôn có 7 hộ thoát nghèo, đến nay chỉ còn 13 hộ nghèo. Nhờ
nguồn kinh phí được chi trả từ dịch vụ môi trường rừng mỗi năm hơn 300 triệu
đồng, bà con không chỉ có thêm thu nhập mà thôn cũng được xây dựng thêm khang
trang. Nhà báo nhìn xem, đoạn đường đến nhà văn hóa thôn, đường đến nhóm 5 hộ
dân khó khăn nhất hai năm trước còn là đường đất giờ đều được đổ bê tông, rồi
công trình đèn năng lượng mặt trời thắp sáng suốt 2km trục thôn… Tất cả tổng
trị giá gần 200 triệu đồng đều từ tiền bà con tham gia bảo vệ rừng mà có được.
Đến thôn Tu
Hạ vào đúng mùa thu hoạch măng, chúng tôi thấy loại măng đặc biệt tuy nhỏ như
ngón tay cái người lớn nhưng không đủ bán cho thương lái. Anh Vàng A Đoàn,
người Mông xanh ở thôn Tu Hạ bóc những mầm măng trắng nõn bảo đây là giống măng
sặt, ngon chẳng kém gì măng trúc, cứ luộc lên chấm mẻ hoặc bóc ra, đập dập xào
với trứng gà, ăn một lần là nhớ mãi. Thì ra cùng với nguồn thu từ bảo vệ rừng,
những năm gần đây, bà con người Mông xanh thôn Tu Hạ và Tu Thượng trồng được 50
ha cây măng sặt, đem lại nguồn thu đáng kể. Tiêu biểu như các gia đình: Vàng
Thị Chư, Lý A Su, Vàng Thị Mai, Vàng A Lơ, Vàng A Chính… bán măng sặt mỗi vụ
thu từ 15 - 20 triệu đồng. Năm 2023, thôn Tu Hạ giảm được 11 hộ nghèo. Tỷ lệ hộ
nghèo toàn thôn chỉ còn gần 15%. Ở nơi “cửa gió” Khau Co, một làn gió mới đang
thổi đến đem lại sự khởi sắc cho vùng đất khắc nghiệt này.
Chúng tôi
nghỉ qua đêm tại Trạm Kiểm lâm cửa rừng Nậm Mu - Khau Co. Trong bữa cơm tối
giữa tiết trời se lạnh dưới chân đèo, đoàn công tác giao lưu với các cán bộ
kiểm lâm và những vị khách từ phía Than Uyên sang chơi thưởng thức món cá hồi
nuôi dưới chân đèo tươi ngon. Anh Nguyễn Đức Thịnh, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm
Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn bảo trong tương lai đèo Khau Co sẽ
không còn vắng vẻ nữa mà hứa hẹn trở thành điểm du lịch hấp dẫn.
Hiện nay, Khu
Bảo tồn đang trình tỉnh phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái với trọng
tâm là 6 điểm, 7 tuyến du lịch sinh thái gắn với vẻ đẹp thiên nhiên và 1 điểm
du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp nghiên cứu khoa học gắn với Di
tích Lịch sử văn hóa đồn Khau Co. Một ngày mới đang đến trên “cổng trời” Khau
Co lịch sử.
Lương Văn Thuân Sưu tầm
bài 3 trong seri Từ Lào Cai đến hầm Đờ- cát của Nhóm phóng viên Báo Lào Cai
theo dấu chân những dân công hỏa tuyến, những chiến sĩ Điện Biên năm xưa trên
hành trình từ tỉnh biên giới Lào Cai đến chiến trường Điện Biên Phủ để hiểu hơn
một thời hoa lửa, vượt qua bao gian khó, hiểm nguy của các thế hệ cha anh lên
đường đánh giặc, giải phóng dân tộc.
Nguồn:
Báo Điện tử Lào Cai
Link
nguồn: https://baolaocai.vn/bai-3-chuyen-chua-ke-tren-deo-khau-co-post383177.html