image banner
Hiệu quả của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Thực hiện Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 của Chính phủ, tỉnh Lào Cai cũng như một số tỉnh khác trên cả nước bắt đầu thực hiện chính sách chi trả DVMTR từ năm 2012. Đây là một trong những chính sách mang tính chiến lược, đột phá của ngành Lâm nghiệp, đã được Đảng, nhà nước và cả hệ thống chính trị quan tâm triển khai thực hiện, đây được xác định là một nguồn thu lớn giúp tái đầu tư vào ngành Lâm nghiệp, tạo nguồn thu lớn cho người dân làm nghề rừng từ đó khuyến khích họ gắn bó với rừng hơn, giảm gánh nặng đầu tư cho nguồn ngân sách nhà nước.

Nguồn thu từ DVMTR đã giúp: hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được sử dụng toàn bộ số tiền dịch vụ môi trường rừng để quản lý bảo vệ, phát triển rừng và thống nhất đầu tư xây dựng các công trình công cộng nâng cao đời sống của cộng đồng dân cư; chủ rừng là tổ chức có nguồn kinh phí để chi cho công tác quản lý các khu rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng, gồm: các hạng mục công trình lâm sinh, các công trình cơ sở kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ và phát triển rừng; các hoạt động tuần tra, truy quét các điểm nóng, xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; mua sắm tài sản, công cụ, dụng cụ, duy tu bảo dưỡng, sửa chữa tài sản trang thiết bị phục vụ công tác bảo vệ rừng; lập hồ sơ, xây dựng bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng, kiểm tra, giám sát, đánh giá, nghiệm thu, tuyên truyền, vận động, đào tạo, tập huấn, hội nghị và các hoạt động khác phục vụ công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng; chi trả lương và các khoản có tính chất lương đối với các đối tượng không hưởng lương từ nguồn ngân sách nhà nước và các hoạt động khác phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Qua đó đã có những tác động tích cực đến công tác quản lý bảo vệ rừng, thu hút được người dân, cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ phát triển rừng. Thông qua chính sách, đã tạo ra mối liên kết bền vững giữa người sử dụng với người cung ứng DVMTR. Các chủ rừng, người bảo vệ rừng hiểu được giá trị DVMTR đem lại, thấy được trách nhiệm và quyền lợi của việc cung ứng dịch vụ giúp cho người dân yên tâm gắn bó với rừng.

anh tin bai
 

Ảnh: Hiệu quả từ công tác bảo vệ rừng tại Khu bảo tồn Văn Bàn

Khu BTTN Hoàng Liên Văn Bàn là một trong những đơn vị được áp dụng chính sách chi trả DVMTR từ năm 2012 đến nay. Đây là nguồn kinh phí chủ yếu để đơn vị thực hiện tái đầu tư cho công tác bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn các hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên của rừng. Thông qua các hoạt động khoán bảo vệ rừng giữa Khu BTTN Hoàng Liên Văn Bàn với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư địa phương theo Nghị định 168/2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016 của Chính Phủ quy định về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ và Công ty TNHH MTV nông, lâm nghiệp nhà nước đã tạo ra một nguồn thu lớn cho cộng đồng dân cư bình quân mỗi cộng đồng được chi trả từ 200 – 400 triệu đồng/thôn/năm tùy thuộc vào diện tích mà cộng đồng bảo vệ, số tiền trên chủ yếu chi cho công tác tuần tra bảo vệ rừng của cộng đồng, phần kinh phí còn lại được cộng đồng họp bàn thống nhất đầu tư cho mua sắm, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội chung của thôn như: Làm mới và tu sửa đường giao thông nông thôn, xây dựng, tu sửa, làm mới công trình nhà văn hóa, trụ sở thôn, làm đường nước sinh hoạt….

anh tin bai

 Ảnh: Nhà văn hóa thôn được đầu tư khang trang từ tiền DVMTR

anh tin bai

  Ảnh: Đèn năng lượng được đầu tư từ nguồn DVMTR

Nhằm phát huy tối đa hiệu quả sử dụng tiền khoán bảo vệ rừng, đặc biệt là tiền DVMTR, Ban quản lý Khu bảo tồn đã phối hợp với UBND các xã trên địa bàn ban hành quy chế quản lý, sử dụng tiền khoán bảo vệ rừng cho các cộng đồng nhận khoán, thường xuyên phối hợp kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các thôn lập kế hoạch chi tiền khoán bảo vệ rừng. Từ đó tiền DVMTR của các thôn được chi tiêu đúng hướng, công khai minh bạch, đem lại hiệu quả cao về kinh tế và đặc biệt là trách thất thoát tài sản của nhà nước và cộng đồng.

Từ những kết quả thực tiễn đã minh chứng cho thấy, cùng với các nguồn thu nhập khác từ rừng, nguồn thu từ DVMTR đã đem lại khoản thu tương đối lớn cho ngành kinh tế Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh từ thu được khoảng 20 tỉ (năm 2012) lên khoảng 130 tỉ (năm 2021) mà gần 90% nguồn kinh phí trên được chi trả cho các chủ rừng để tái đầu tư lại các hoạt động phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng tại các cộng đồng nhờ đó mà rừng được quản lý bảo vệ tốt hơn, môi trường được cải thiện, hình ảnh nông thôn có sự thay đổi tích cực, cơ sở vật chất, hạ tầng nông thôn được đầu tư, sửa chữa, đời sống của người dân được nâng lên, bảo đảm công tác an sinh xã hội và góp phần đưa ngành lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật./. 

 

Nguyễn Tâm

Tin liên quan


image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 49
  • Trong tuần: 283
  • Tất cả: 55786
Đăng nhập