Hội nghị bàn giải pháp nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp quản lý, bảo vệ rừng khu vực giáp ranh
Căn cứ Kế hoạch số 81/KH-HKL ngày 30/5/2023 của Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Hoàng Liên Văn Bàn về làm việc, trao đổi kinh nghiệm, bàn giải pháp nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp quản lý, bảo vệ rừng với các đơn vị vùng giáp ranh năm 2023.
Nhằm nâng cao hiệu quả hơn nữa trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR và bảo tồn đa dạng sinh học vùng giáp ranh, chủ động trong công tác thông tin, phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ tuần tra bản vệ rừng. Ngày 04/10/2023 Khu BTTN Hoàng Liên Văn Bàn chủ trì phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Văn Bàn; UBND xã Nậm Xé tổ chức làm việc với Hạt Kiểm lâm huyện Tân Uyên, UBND xã Hố Mít huyện Tân Uyên – Lai Châu “bàn giải pháp nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp quản lý, bảo vệ rừng khu vực giáp ranh”
Ảnh: Một số hình ảnh tại Hội nghị
Tại buổi làm việc các bên đã được nghe báo cáo tóm tắt đặc điểm, tình hình chung về công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR của khu vực giáp ranh giữa Khu BTTN Hoàng Liên Văn Bàn với các đơn vị và ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự hội nghị.
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu của các đại biểu. Các bên thống nhất sẽ tổng hợp báo cáo kết quả buổi làm việc với Chi cục Kiểm lâm 2 tỉnh (Lào Cai, Lai Châu) và triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới như sau:
1, Công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện: Xây dựng kế hoạch phối hợp tuần tra, kiểm tra rừng vùng giáp ranh, chỉ đạo Kiểm lâm địa bàn thường xuyên bám nắm địa bàn, chủ động tuần tra và phối hợp tổ chức các cuộc tuần tra chung trong công tác quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép và phòng cháy, chữa cháy rừng vùng giáp ranh; duy trì thông tin liên lạc hai chiều giữa các lãnh đạo đơn vị, Kiểm lâm địa bàn, lãnh đạo UBND xã, các trưởng thôn bản để đảm bảo công tác phối hợp được kịp thời, đạt hiểu quả cao. Bám sát các văn bản chỉ đạo của cấp trên hai đơn vị chủ động xây dựng, tham mưu và ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện.
2, Công tác tuyên truyền: Phối hợp tổ chức các buổi tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân địa phương, đặc biệt khu vực giáp ranh, vận động nhân dân tích cực tham gia quản lý, bảo vệ rừng, PCCCR và bảo tồn đa dạng sinh học. Không khai thác, chặt phá rừng, săn bắt, bẫy động vật rừng và vận chuyển buôn bán lâm sản trái phép, mở mới diện tích trồng Thảo quả, Sa nhân dưới tán rừng tự nhiên.
3, Công tác trao đổi thông tin: Thường xuyên trao đổi thông tin giữa lãnh đạo các đơn vị, chính quyền địa phương, các bộ phận tham mưu giúp việc của các cơ quan, đơn vị có liên quan để nắm bắt các vụ việc có liên quan trong khu vực giáp ranh. Việc trao đổi thông tin có thể trực tiếp qua điện thoại, zalo hoặc bằng văn bản để kịp thời phối hợp triển khai thực hiện.
4, Công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa, cháy rừng: Kiểm lâm địa bàn của khu vực giáp ranh chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; rà soát các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra khai thác, lấn chiếm, cháy rừng cao tại các khu vực giáp ranh chủ động tham mưu cho lãnh đạo, chính quyền địa phương hai bên thống nhất xây dựng kế hoạch tuần tra chung kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.
5, Công tác phối hợp xử lý vi phạm: Đẩy mạnh phối hợp xử lý các vụ việc có liên quan khi phát hiện hoặc được đề nghị phối hợp. Kết quả xử lý vi phạm cần thông tin cho các bên có liên quan đặc biệt là thông tin cho cấp ủy, chính quyền địa phương để có giải pháp quản lý các đối tượng vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.
6, Công tác quản lý cây Thảo quả: Tăng cường công tác quản lý, thống kê diện tích thảo quả hiện đang canh tác, không để phát sinh trồng mới và tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện việc xóa bỏ hoàn toàn cây thảo quả trồng dưới tán rừng tự nhiên đặc dụng đến năm 2030 của tỉnh Lào Cai.
Nguyễn Đức Chiến