image banner
Giữ rừng nơi “đèo gió”

Nơi “đèo gió” - Khau Co, trong sâu thẳm đại ngàn thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn, bao đời nay, những gốc pơ mu đã ăn sâu vào đất, hình thành quần thể cả nghìn cây, vươn mình tạo thành rừng gỗ lớn. Cũng chính nơi ấy có những “người con của núi” vẫn thầm lặng và cần mẫn canh giữ hơi thở đại ngàn.

 

 

Chúng tôi về miền Tây huyện Văn Bàn trong một buổi chiều muộn, dự định sẽ nghỉ qua đêm tại Trạm Kiểm lâm cửa rừng Nậm Mu, Khau Co (xã Nậm Xé) thuộc Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn rồi sáng hôm sau sẽ ngược núi sớm theo đoàn tuần rừng. Nhưng vừa bước chân đến trạm, sau cái bắt tay vội, anh Lò Văn Toản, Trạm trưởng đã hớt hải: Mùa này, bà con đang thu hái thảo quả, có thuê người ở các tỉnh lân cận về làm trong rừng. Mình vừa nhận được tin báo của anh em gác cửa rừng là hôm nay có nhóm người lạ mặt quanh quẩn khu vực gần đó, e trời tối nhiều bất trắc nên tổ phải đi tuần ngay. Các bạn cứ nghỉ lại trạm, sớm mai sẽ có anh em đưa đi…

Cán bộ kiểm lâm cụm xã Nậm Xé cùng tổ bảo vệ rừng chuyên trách tuần tra, bảo vệ rừng.

Nói rồi, anh Toản cùng 1 cán bộ của trạm và 3 anh em trong Tổ bảo vệ rừng chuyên trách thôn Ta Náng vội sửa soạn lên đường. Ngước nhìn lên đại ngàn thâm u và tĩnh mịch, chỉ chút nữa thôi sẽ phủ một màu đen, chúng tôi vẫn quả quyết đề nghị đi cùng. Sau phút ngần ngại, anh Toản bố trí thêm 2 chú “ngựa sắt” đưa chúng tôi cùng ngược núi.
Từ đỉnh “đèo gió”, 5 chiếc xe máy nối đuôi nhau qua quãng đường gần 8 km trên Quốc lộ 279 rồi quẹo phải. Chốt bảo vệ rừng Nậm Xi Tan ở ngay cửa rừng. Một thanh niên từ trong chốt nhấc vội barie để đoàn qua, không quên dặn với theo: Anh em đi cẩn thận! 

“Đường từ đây là đường đất, nhiều đá hộc nên chị ngồi chắc nhé!”, Sầm Văn Mạnh, Nhóm trưởng nhóm 1, Tổ bảo vệ rừng chuyên trách thôn Ta Náng vừa vít tay ga vượt khúc cua tay áo lổn nhổn đá vừa nói to như sợ tôi không nghe thấy. Chiều cuối năm, dù đã đeo găng tay và quàng khăn kín cổ nhưng khuôn mặt hở ra vẫn khiến toàn thân thấy lạnh buốt.

Đoàn xe gầm gừ khoảng 30 phút theo con đường khó thì đến chân đập thủy điện Nậm Mu. Từ đây, chúng tôi bắt đầu chuyến leo núi đầy khó khăn để tới Tiểu khu 518 - nơi có quần thể gỗ pơ mu sống cả ngàn năm nay. Vì đường đi phải vượt qua nhiều khúc suối của dòng Nậm Mu, trong rừng còn có đoạn sình lầy nên ngoài chuẩn bị sẵn đèn pin hoặc điện thoại có đèn chiếu sáng, dân “ngoại đạo” như chúng tôi được phát thêm cây gậy trúc để chuyến đi thêm thuận lợi. 

Là những “người con của núi”, quá quen thuộc địa hình nên những bước chân tuần rừng cứ thế phăng phăng trên đường mòn, chúng tôi thì dò dẫm theo đoàn. Cửa rừng vẫn sáng mà bước vào rừng thì tối om, phải bật đèn, chân người đi sau dẫm vào bước chân người đi trước để không chệch hướng. Đường mòn khúc khuỷu, khi thì dựng đứng như bức tường thành, lúc lại tụt sâu xuống mép vực. Mặt đường là những rễ cây cổ thụ đan vào nhau nhằng nhịt. Đoạn qua suối, chúng tôi chỉ biết bám vào tay người bên cạnh bước đi, nghe nước cuốn qua chân ào ào. 

Rừng chiều, sương bắt đầu xuống nhanh, lạnh buốt, vậy mà đi một lúc, tôi đã thấy nóng bừng. Tài xế của tôi khi nãy (anh Mạnh) trêu rằng anh có chiếc ba lô 3 gang và bảo chúng tôi đưa hết túi xách và đồ chưa dùng đến để anh cầm giúp. Đeo đồ nặng trên vai nhưng anh luôn dẫn đầu đoàn leo núi, thi thoảng còn mất hút cùng với nhóm bảo vệ rừng, lúc lâu sau mới quay lại. Anh Toản bảo: Anh em mỗi người tỏa đi một hướng xem xét lối đi, cây cối xem có dấu hiệu gì bất thường để kịp thời xử lý… Thấy tôi phân vân trời tối đi đường vực nguy hiểm, anh Toản cười xòa: Việc đi rừng xuyên đêm như thế này các anh em thông thạo lắm, bạn đừng lo!

 

 

Ngồi nghỉ giữa chặng đường bởi đôi chân đã mỏi, chúng tôi được các anh trong đoàn tuần tra kể bao điều về cánh rừng gỗ quý. Anh Toản đưa chiếc đèn pin chiếu rọi ra xung quanh, chỉ thấy cánh rừng ken đặc bởi những cây gỗ lớn, nhỏ, vỏ cây rêu mốc, sần sùi. Chiếc đèn dừng lại ở một thân cây to. Anh Toản tếu táo: “Đây là cây pơ mu tổ của cánh rừng, ước tính hơn 1.000 năm tuổi, đường kính thân hơn 2 m…”. Chưa từng được nhìn thấy cây pơ mu nào lớn như vậy nên chúng tôi háo hức lại thật gần để ngắm nghía. Vỏ cây màu nâu sẫm, dày sụ. Thân cây cao tút hút lên tận trời đêm. Chúng tôi vòng tay ôm thử cũng phải đến 5 sải tay mới hết gốc. Các anh bảo rừng pơ mu khu vực này rộng đến 300 ha. Ở các đỉnh núi cao có vô số cây lớn nhỏ, trong đó có vài nghìn cây độ hơn 1.000 năm tuổi, đường kính cũng chừng 1,5 - 2 m. Quần thể cây to tập trung nhiều ở Tiểu khu 518. 

Quần thể pơ mu tại Tiểu khu 518 với hàng nghìn cây pơ mu đại thụ hơn 1.000 năm tuổi được bảo vệ nghiêm ngặt.

Đã được đến nhiều cánh rừng phòng hộ xung yếu của tỉnh nên tôi cảm nhận rõ đây là cánh rừng “giàu” bởi rừng có tán tầng đan xen, mật độ phân bố dày đặc với nhiều cây gỗ quý và các loài động vật hoang dã. Nhớ khi nãy, suốt dọc đường đi, chốc chốc, anh Mạnh lại dừng lắng nghe, tôi cũng dỏng tai nghe ngóng, thi thoảng thấy tiếng “khẹc khẹc”, “hu hú”… Anh Mạnh bảo đó là tiếng sóc kiếm ăn, tiếng chim gọi bạn… 

Rừng pơ mu cách xa khu dân cư lại tiếp giáp với nhiều xã trong huyện như Nậm Xây, Minh Lương và các địa phương của tỉnh bạn như xã Mường Than (huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu), xã Chế Cu Nha (huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái), nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy rừng và bảo tồn các cây gỗ quý. Để việc bảo vệ rừng được thuận lợi và hiệu quả hơn, từ giữa năm 2021, khu bảo tồn đã dựng chốt ở cửa rừng Nậm Xi Tan và Tiểu khu 518. Đều đặn hằng tháng, 40 người trong Tổ bảo vệ rừng chuyên trách chia thành 7 nhóm luân phiên trực ở 2 chốt và đi tuần từ các chốt đến khu lân cận. Mỗi kíp trực kéo dài 5 - 7 ngày, các thành viên phải chuẩn bị đồ dùng, lương thực, nhu yếu phẩm cho chừng ấy ngày để đêm ngày “thức, ngủ” cùng rừng.

Công việc tuần rừng được thực hiện thường xuyên.

Không chỉ bỏ công, bỏ sức, những người gác rừng nơi đây còn gặp muôn nỗi hiểm nguy bởi pơ mu là loại cây gỗ quý thường bị kẻ xấu “dòm ngó”. Nhiều đối tượng xâm hại rừng khi bị phát hiện đã chống trả quyết liệt. Những người giữ rừng nơi đây còn kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện năm 2010, một cán bộ của trạm trong quá trình giải quyết vụ việc bất ngờ bị đối tượng khai thác lâm sản trái phép chém vào cánh tay với tỷ lệ thương tật 11%. Hoặc câu chuyện lực lượng đi tuần phát hiện 3 người từ huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu) sang lấy trộm gỗ, quá trình đưa các đối tượng về trụ sở giải quyết đã bị một nhóm người thân của các đối tượng tấn công khiến một người trong tổ bảo vệ bị thương ở vùng đầu… Những câu chuyện ấy không làm chùn bước chân những người lính gác rừng mà còn tiếp thêm động lực, trở thành tấm gương về sự hy sinh, lòng dũng cảm để các thế hệ sau tiếp bước.

Những bước chân ngược núi trong đêm.

Sau 4 tiếng đồng hồ mải miết leo trong đêm tối, xung quanh là tiếng muông thú kêu, tiếng gió ầm ào, sương rơi lạnh buốt, cuối cùng chúng tôi cũng đến được chốt bảo vệ rừng Tiểu khu 518. Ngôi nhà gỗ lợp tôn nằm lọt thỏm giữa cây rừng cao vút. Chiếc bóng đèn mắc từ điện nước leo lét giữa nhà đủ để tôi nhìn rõ từng người trong đoàn tuần rừng. Ai nấy tay chân lấm lem bùn đất, khuôn mặt đỏ vì giá lạnh, trán lấm tấm mồ hôi mà đôi môi vẫn nở nụ cười tươi tắn.

Đêm đó, chúng tôi ngủ lại giữa rừng già, xung quanh là tiếng nước chảy, tiếng gió thổi, tiếng muông thú gọi bầy, tiếng mưa ầm ào và cả những tia chớp loằng ngoằng xé trời đêm. Chúng tôi không sao ngủ được, không phải bởi nỗi sợ hãi sự khắc nghiệt của thiên nhiên nơi rừng sâu, núi thẳm, mà bởi những xúc cảm yêu quý, biết ơn với những người con của núi đã dành trọn thanh xuân giữ màu xanh, hơi thở của đại ngàn.

Nguồn: Báo Lào Cai


image

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 27
  • Trong tuần: 734
  • Tất cả: 40377
Đăng nhập